1. Vị trí địa lý:
Đắk Nông là tỉnh mới được thành lập từ 01/01/2004 trên cơ sở
tách từ 6 huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk, có diện tích tự nhiên 6.515,3 km2.
Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh
Munđunkiri của nước bạn Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước. Đắk Nông là tỉnh
miền núi có độ cao khoảng 600 - 700 m, có nơi lên đến 1.970 m so với mực nước
biển.
2. Khí hậu:
Khí hậu tỉnh Đắk Nông vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên
nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu có 2 mùa
rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10, tập
trung 90% lượng mưa hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng
mưa không đáng kể.
Nhiệt độ trung bình năm 22 - 23°C, nhiệt độ cao nhất 35°C,
tháng nóng nhất là tháng tư. Nhiệt độ thấp nhất 14°C, tháng lạnh nhất vào tháng
12. Có những năm nhiệt độ bất thường nắng nóng, dễ gây cháy rừng, khô hạn thiếu
nước ảnh hướng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Tổng số giờ nắng
trong năm trung bình 2000-2300 giờ.
Lượng mưa trung bình năm từ 2.200 - 2.400 mm, lượng mưa cao
nhất 3.000 mm. Tháng mưa nhiều nhất vào tháng 8, 9; mưa ít nhất vào tháng 1, 2.
Độ ẩm không khí trung bình 84%. Độ bốc hơi mùa khô 14,6 - 15,7 mm/ngày, mùa mưa
1,5-1,7 mm/ngày.
Hướng gió thịnh hành mùa mưa là Tây Nam, hướng gió thịnh
hành mùa khô là Đông Bắc, tốc độ gió bình quân 2,4 -5,4 m/s , hầu như không có
bão nên không gây ảnh hưởng đối với các cây trồng dễ gãy, đổ như cà phê, cao
su, tiêu v.v.
3. Đặc điểm địa hình:
Địa hình của tỉnh Đắk Nông đa dạng và phong phú, có sự xen kẽ
giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao. Địa hình có hướng cao dần
từ Đông sang Tây.
Địa hình thung lũng là vùng đất thấp phân bố dọc sông Krông
Nô, Sêrêpôk, thuộc khu vực các huyện Cư Jút, Krông Nô. Địa hình tương đối bằng
phẳng, có độ dốc từ 0 - 30, thích hợp với phát triển cây lương thực, cây công
nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Địa hình cao nguyên chủ yếu ở Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa, Đắk
Mil, Đắk Song, độ cao trung bình trên 800 m, độ dốc trên 150. Đây là khu vực có
đất bazan là chủ yếu, rất thích hợp với phát triển cây công nghiệp lâu năm, lâm
nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.
Địa hình núi phân bố trên địa bàn huyện Đắk R'Lấp. Đây là
khu vực địa hình chia cắt mạnh và có độ dốc lớn. Đất bazan chiếm phần lớn diện
tích, thích hợp với phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều,
tiêu.
4. Dân số:
Năm 2008, dân số trung bình toàn tỉnh 431.000 người, trong
đó dân số đô thị chiếm 15,2%, dân số nông thôn 84,8%. Tỉ lệ tăng dân số tự
nhiên là 2,02%. Mật độ dân số trung bình 66 người/km2. Dân cư phân bố không đều
trên địa bàn các huyện, nơi đông dân cư chủ yếu tập trung ở các trung tâm xã,
thị trấn huyện lỵ, ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ. Có những vùng dân cư
thưa thớt như một số xã của huyện Đắk Glong, Đắk R'Lấp.
Đắk Nông là tỉnh có cộng đồng dân cư gồm 31 dân tộc cùng
sinh sống. Cơ cấu dân tộc đa dạng, chủ yếu là dân tộc Kinh, M'Nông, Tày, Thái,
Ê Đê, Nùng, v.v. Dân tộc Kinh chiếm tỉ lệ 65,5%, M'Nông chiếm 9,7%, các dân tộc
khác chiếm tỉ lệ nhỏ.
5. Tài nguyên thiên nhiên:
a. Tài nguyên đất
Theo báo cáo số liệu kiểm kê đất năm 2005 của Sở Tài nguyên
và Môi trường tỉnh Đắk Nông đến ngày 01/01/2005, tổng diện tích đất tự nhiên
toàn tỉnh có 651.331 ha. Trong đó:
- Đất nông nghiệp: Có diện tích là 224.850 ha, chiếm 34,5% tổng
diện tích tự nhiên. Trong đó đất trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm phần lớn
diện tích. Đất cây hàng năm chủ yếu là đất trồng lúa, ngô và cây công nghiệp ngắn
ngày, ngoài ra diện tích đất nương rẫy còn khá lớn.
- Đất lâm nghiệp có rừng: Tổng diện tích là 374.387 ha,
trong đó rừng tự nhiên là 366.988 ha, đất rừng trồng 7.357 ha, chiếm tỉ lệ
không đáng kể 2,9%. Tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 57,5%.
- Đất chuyên dùng: Diện tích 7.113 ha, chiếm 1,1% tổng diện
tích tự nhiên.
- Đất khu dân cư: Diện tích
9.942 ha chiếm 1,5%.
- Đất chưa sử dụng: Diện tích đến 01/01/2005 còn 35.039 ha,
chiếm 5,4% diện tích tự nhiên, trong đó đất sông suối và núi đá không có cây rừng
là 11.276 ha. Còn lại khoảng 23.763 ha đất bằng, đất đồi núi và mặt nước chưa sử
dụng, trong đó chủ yếu là đất đồi núi có 21.000 ha, diện tích đất bằng chưa sử
dụng còn rất hạn hẹp. Do đó có thể đưa đất chưa sử dụng vào sản xuất nông nghiệp,
lâm nghiệp, cần đầu tư thêm cho thuỷ lợi, cải tạo và san lấp mặt bằng và hạ tầng
giao thông v.v.
b. Tài nguyên rừng
Diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 374.387 ha, độ che phủ
toàn tỉnh đạt 57,5%, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên 366.988 ha, chiếm 98%. Rừng
tự nhiên được phân bố đều khắp các huyện, tập trung chủ yếu ở vùng núi cao, có
tác dụng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ môi sinh.
Chia theo mục đích sử dụng: đất có rừng sản xuất (kể cả rừng
tự nhiên và rừng trồng) có 213.785 ha, chiếm 57,1% diện tích đất lâm nghiệp,
phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh; đất có rừng phòng hộ 132.341 ha, chiếm
35,3%, chủ yếu tập trung ở các huyện Đắk R'Lấp, Đắk Glong, Đắk Mil, Đắk Song; đất
có rừng đặc dụng 24.850 ha, tập trung chủ yếu ở Đắk Glong, Krông Nô, đây là khu
rừng được sử dụng vào mục đích bảo tồn sinh thái, khai thác du lịch. Rừng trồng
chủ yếu tập trung ở vùng các vùng gò đồi và núi thấp, khu vực gần dân cư.
Rừng tự nhiên ở Đắk Nông có nhiều hệ động vật và thực vật
phong phú và đa dạng. Rừng phát triển tốt, những khu rừng nguyên sinh có nhiều
loại gỗ quí và cây đặc sản vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị khoa học.
Trong rừng còn nhiều động vật quí hiếm như voi, gấu, hổ v.v. được ghi trong
sách đỏ của nước ta và sách đỏ thế giới; có nhiều loại dược liệu quí là nguồn
nguyên liệu dồi dào để chế thuốc chữa bệnh trong y học dân tộc. Đặc biệt, khu bảo
tồn thiên nhiên Nam Nung, Tà Đùng có những khu rừng nguyên sinh với nhiều cảnh
quan, thác nước đẹp tạo nên quần thể du lịch hấp dẫn.
c. Tài nguyên khoáng sản
Theo số liệu điều tra sơ bộ cho thấy trên địa bàn tỉnh Đắk
Nông có một số loại khoáng sản, đáng kể là:
Bô xít: Phân bố ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk GLong, Đắk
R'Lấp, Đắk Song. Trữ lượng dự đoán 5,4 tỉ tấn, trữ lượng thăm dò 2,6 tỉ tấn,
hàm lượng Al2O3 từ 35 - 40%. Trên bề mặt của mỏ quặng có lớp đất bazan tốt, hiện
có rừng hoặc cây công nghiệp dài ngày. Khó khăn cho việc khai thác hiện nay là
chưa có đường giao thông, thiếu năng lượng, nguồn nước để rửa quặng và vốn đầu
tư.
Khoáng sản quí hiếm: Khu vực
xã Trường Xuân, huyện Đắk Song là nơi có nguồn tài nguyên đặc biệt quí
hiếm là vàng, đá quí ngọc bích, saphia trắng. Ngoài ra còn có volfram, thiếc,
antimon trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk GLong, Cư Jút.
Ngoài ra còn có các tài nguyên khá phong phú là nguyên liệu
cho sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét phân bố rải rác trên địa bàn một số
huyện, có thể khai thác công nghiệp, sản xuất gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng
các công trình kinh tế - xã hội cũng như xây dựng dân dụng cho khu vực dân cư
trên địa bàn tỉnh. Sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp phân bố tập trung ở huyện Đắk
Glong, thị xã Gia Nghĩa; puzơlan làm nguyên liệu cho xi măng, gạch ceramic; đá
bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt, sợi chịu
nhiệt v.v.
Nguồn nước khoáng có ở Đắk Mil được khoan thăm dò tháng
6/1983 sâu 180 m khả năng khai thác rất lớn, khoảng 570 m3/ngày đêm và khí CO2
đồng hành khoảng 9,62 tấn/ngày đêm. Hiện tại chỉ mới khai thác khí CO2.
d. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt do nguồn nước mưa cung cấp, tương đối dồi
dào, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy
nhiên do chịu ảnh hưởng của khí hậu cao nguyên, lại nằm ở phía Tây, cuối dãy
Trường Sơn nên vào mùa khô mưa ít, nắng nóng kéo dài làm khô hạn, nhiều lúc thiếu
nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư.
Nguồn nước ngầm, phân bố ở hầu khắp cao nguyên bazan và các
địa bàn trong tỉnh, có trữ lượng lớn ở độ sâu 40 - 90 m. Đây là nguồn cung cấp
nước bổ sung cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô, được sử dụng phổ biến cho
sinh hoạt, làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Tuy nhiên trên một số địa bàn
núi cao thuộc các huyện Đắk R'Lấp, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa nguồn nước ngầm
hạn chế. Nước ngầm được khai thác chủ yếu thông qua các giếng khoan, giếng đào,
nhưng do nguồn nước nằm ở tầng sâu nên muốn khai thác cần có đầu tư lớn và phải
có nguồn năng lượng.